02 tháng 10 2022

"THIÊN ĐƯỜNG" GIÃY CHẾT

Cái tựa nghe lớn như vậy, nhưng tôi “thề” sẽ không lý luận hay văn chương gì trong bài viết này, chỉ muốn kể hai câu chuyện trong ngày thôi.

Chuyện Thứ Nhất
Tôi thường đi bộ tập thể dục trong công viên gần nhà. Một sáng, tôi gặp một bà người Úc (Úc 100%, chứ không phải “ba rọi”: mỡ nhiều hơn nạc như tôi), chào hỏi xã giao khi đi đối diện, và giới thiệu tên, rồi “hôm nay trời đẹp quá!” rồi đi tiếp…


Vì khi nào rảnh thì tôi đi bộ, chứ không phải theo một giờ nhất định, nên khoảng tuần sau, tôi gặp lại bà, và bà kêu đúng tên tôi, và thật ngạc nhiên, tôi ít nhớ tên, nhưng sao cũng gọi đúng tên bà, và (chúng) tôi cảm thấy hài lòng với trí nhớ của mình. 

Bà nói tiếp, để tôi giới thiệu ông với chồng tôi, bà chỉ vào người đàn ông, hơi đậm người, đi sau bà một quãng, bà nói đây là Ray, chồng tôi, ông ta vừa kỷ niệm 80 tuổi tuần trước. Và tôi chúc mừng (muộn) sinh nhật của ông.
 
Rồi đi tiếp, ông đi chậm nên một lát sau tôi lại ở sau lưng ông, vì đường mòn trong công viên chạy vòng vòng mà! Tôi nói: này Ray, tôi nhìn ông và đang suy nghĩ xem tôi sẽ làm những việc gì bây giờ cho đến khi tôi bằng tuổi ông. Chúng tôi dừng lại, và ông nói: đúng rồi, tôi đã ở đây 50 năm trước, nhà tôi ở đằng kia, ông chỉ tay về phía hàng cây sau công viên....

Hồi đó, tôi làm công việc cắt cỏ và làm vườn, một ngày kia tôi vô ý khiêng nặng nên bị cụp xương sống, bây giờ đi lại khó khăn như anh thấy đó. Nhưng mỗi sáng thức dậy, tôi đều lên kế hoạch mình phải làm gì trong ngày, phải thế anh ạ, bởi vì nếu không một ngày của mình sẽ qua đi, và mình không có lại nữa. Tôi ngạc nhiên với suy nghĩ của một người đã cao tuổi như ông. Thêm một bài học từ kinh nghiệm sống cho tôi.
 
Ông nói tiếp, vợ tôi cũng vậy, bà rất năng động, 20 năm trước, bà cùng tôi cũng đi trên con đường này, lúc đó chỉ là con đường đất, cỏ xung quanh cao khoảng hơn 1 mét (ông đưa bàn tay ra dấu về phía trước), và bà đã chụp hình, viết thư gởi lên Council (chính quyền địa phương) kèm theo hình, và bà nói Council phải sửa sang lại, nếu không lỡ mà cỏ cháy mùa hè, nhà của chúng tôi và những gia đình xung quanh đây sẽ bị thiệt hại.
 
Một tháng sau, Council bắt đầu công việc làm công viên, và con đường lát đá này, tôi và anh đang đi, đã được làm từ đó, cùng với những hàng cây và chỗ cho trẻ con chơi khang trang đằng kia. Tôi có thể cùng ông đi một đoạn nữa không, tôi muốn nói chuyện nhiều với ông, tôi hỏi. Không, tôi phải đi về nhà, hẹn anh khi khác, ông chào tôi và bước đi chầm chậm về phía lối ra công viên.

Tôi rảo bước đi nhanh, và rồi tôi gặp bà Val, vợ ông Ray. Thưa bà, tôi vừa nói chuyện với ông Ray, ông đã nói về bà và công viên này, bà có thể nói cho tôi biết thêm về câu chuyện đó không. Tôi thích viết và sẽ viết câu chuyện này lên trang Facebook và Blog của tôi.
 
Bà cười, pha trò: đừng nhé, ông phải hứa là đừng nêu tên tôi nhé, nếu không ngày mai, chiếc helicopter đó, bà chỉ lên bầu trời có chiếc trực thăng đang bay, sẽ tìm ông đó. Lão Ray cũng thiệt là!
Nhưng, rồi bà cũng kể tôi nghe, hồi đó có ông thầu khoán xây dựng, tên họ và cũng là tên công ty của ông là Nickson, ông ấy mua một vùng đất rộng ở xung quanh đây, và xây nhà để bán, chúng tôi, tôi và Ray, là một trong số những người mua nhà của ông. Rồi ông Nickson, tặng cho cho Council khu đất công viên này, chính thức là cho thuê 99 năm với giá $1 mỗi năm. Tôi hiểu: đó là cách thức để một hợp đồng cho tặng có giá trị pháp lý theo luật Anh/ Úc.

Rồi thì Council không làm gì cả, nên tôi mới viết thư và chụp hình gởi lên cho họ. Ông không tìm thấy một nhà thầu tên Nickson nào trên mạng đâu, vì tôi chắc ông Nickson đã qua đời, và có lẽ con cái của ông không tiếp tục làm công việc xây dựng nữa.

Council đã lắng nghe, một tháng sau, họ khởi công và một năm sau, anh thấy đó đã thành công viên khang trang như bây giờ, nhưng …Ồ, họ vẫn còn tệ quá, anh thấy cỏ vẫn còn mọc cao, bà chỉ về một vạt cỏ cao khoảng 10 phân bên đường, nhưng có vẻ như thời tiết đã làm nó lên nhanh như vậy; tôi cười.

Nhưng tại sao ông Nickson lại cho đất cho Council như vậy? Tôi hỏi. Bà đáp: tôi cũng không biết nữa nhưng nghe đâu ông đã kiếm đủ tiền, là triệu phú nhiều triệu đô những ngày đó, và ông cũng lớn tuổi nên muốn tặng lại miếng đất này để làm công viên, như một món quà cho những khách hàng của ông…

Rồi… tôi năm nay đã 76 tuổi, nhỏ hơn Ray 4 tuổi, con trai thứ hai của tôi không ổn chuyện gia đình nên đã về ở chung với chúng tôi. Thôi, bây giờ là giờ uống cà phê của chúng tôi. Chào ông nhé, chúng ta sẽ gặp lại, chắc chắn rồi, vì chúng tôi chưa chết nhanh như vậy, bà cười và rảo bước về phía sau của công viên… Tôi đi thêm một vòng nữa, và về nhà, vì hôm nay tôi phải làm xong một chuyện thứ hai nữa.

Chuyện thứ hai
Đó là một việc “kiếm cơm”, thực ra không có gì để kể, nhưng nó lại thú vị, tôi nghĩ thế, khi tôi đã học từ việc thứ nhất trong ngày. Đó là tôi phải hoàn tất dịch vụ giấy tờ cho một ông người Nghệ An, đang sinh sống ở Saigon (không, đúng hơn phải gọi là thành phố HCM của ông ấy). Ông ấy gởi con trai qua Úc du học, rồi con trai kết hôn, định cư và ông mua nhà cho con trai ông đứng tên, đây là căn thứ 4, mỗi căn có giá từ 1.5 đến 2 triệu đô Úc, ở một khu vực đắc địa nhất, chỉ cách trung tâm thương mại của thành phố có 8 Km.

Tôi đi và thầm nghĩ đất nước tư bản mà tôi may mắn đang sống ở đây có lẽ không bao giờ “giãy chết” vì có những người như Ray, Val, Nickson, chính quyền địa phương biết lắng nghe từ một lá thư của một người dân…

Và, cũng vì có, những người như ông khách hàng người Nghệ An của tôi, vì: không phải có bằng tiến sĩ kinh tế mới hiểu được rằng hơn 10 triệu đô Úc đã chuyển từ Việt Nam sang Úc để 4 căn nhà chuyển tên từ công dân Úc tên A sang công dân Úc tên B, và chính phủ Úc đóng thuế con niêm (stamp duty) trên từng việc mua bán đó…và tôi cũng có việc làm.

“Thiên đường” nào sẽ giãy chết vì có những người như ông khách hàng của tôi và những dư luận viên sẽ vào comment lung tung trong bài viết này.

Nguyên Đại
2 Tháng Mười 2022

Hình: Công viên giống công viên gần nhà tôi.

30 tháng 6 2022

SÀI-GÒN ƠI! TA ĐÃ VỀ ĐÂY!

"Nơi thành đô trong ánh điện quang tiếng nấc nghẹn câu cười
Khu nhà tranh năm cánh ngoại ô rên xiết đêm ngày
Quê nhà ta đau đớn lầm than sao bóp nghẹt tim người
Sài gòn ơi! Ta đã về đây, ta đã về đây!

Tiến về Sài-gòn, ta quét sạch giặc thù
Hướng về đồng bằng, ta tiến về Thành Đô
Nước nhà còn chờ, trận cuối là trận này
Tiến về đồng bằng, giải phóng Thành Đô..."

Không! không phải lời “phản động”! Đó là ca từ của một nhạc phẩm “rất đỏ” “Tiến Về Sài-Gòn” của Lưu Hữu Phước/ Huỳnh Minh Siêng, được hát vang trời những năm đầu sau 1975.
 
Nó cũng từng được ca tưng bừng trong các “trại cải tạo”, nhà tù giam giữ lính và viên chức chính phủ Việt Nam Cộng Hòa. Câu chuyện là như vầy: Sau những ngày lao động khổ sai khốc liệt ở các trại tù “cải tạo” ở Bắc Việt, ban đêm các tù nhân bị tập họp để “học tập chính trị”, sau đó mới được về trại, và họ hát ca khúc này. Họ hát nhỏ các câu khác, nhưng đến điệp khúc “Tiến Về Sài Gòn, ta quét sạch giặc thù…” thì họ hát rất to, rõ.

Chính trị viên lúc đầu rất khoái chí, vì “các anh học tập rất tốt”, một tuần rồi vài tuần…cứ tới điệp khúc, các tù nhân lại hòa nhịp, hùng tráng và khí thế: “Tiến về Sài-gòn, ta quét sạch giặc thù…Hướng về đồng bằng, giải phóng Thành Đô”.
 
Rồi thì cán bộ quản giáo cũng nhận ra, có cái gì đó không ổn… “Á đù!”, “Không được hát nữa!” “không được hát bài này”. “Tại sao? Chúng tôi hát nhạc cách mạng mà!” "Đã bảo, không hát là không hát!”…"Không thì không!" Cười! (với nhau).
 
GIA TÀI CỦA MẸ
Đó là một ca khúc trong chuổi ca khúc phản chiến của Trịnh Công Sơn (TCS). Những câu: Gia tài của mẹ: một rừng xương khô, một núi đầy mồ, ruộng đồng khô khan, nhà cháy từng ngàn… vẽ nên bức tranh điêu tàn của cuộc “nội chiến’’ cần phải chấm dứt.

“Mẹ mong con lũ con đường xa”, TCS đã, rất khéo léo, khơi dậy những liên tưởng về những bộ đội bên kia vĩ tuyến.

“Gia tài của mẹ: một bọn lai căn, một lũ bội tình”. Ai lai căn, ai bội tình? Dĩ nhiên không phải là “lũ con đường xa” của TCS. Họ là bạn bè thân, những người bên cạnh che chở cho TCS, như Chuẩn Tướng VNCH Lưu Kim Cương của “Cho Một Người Vừa Nằm Xuống”?
 
TCS đã rất rõ ràng.

Vậy mà! Ca khúc này không được phép hát cho đến hôm nay.

Tại sao? “Lũ con đường xa” của TCS năm xưa rất sợ “lũ con đường xa” bây giờ, nếu “mẹ mong con mau bước về nhà”. “Lũ con đường xa” năm xưa của TCS lại chính là bọn rất lai căn, rất bội tình!
Ngày xưa, TCS tự do hát “Gia Tài Của Mẹ” rất to, rất rõ, giữa Sài Gòn bên cạnh nhiều bạn bè mà ông gọi là “một lũ bội tình”…
 
Bây giờ, nếu còn sống, TCS sẽ hát ca khúc đó ở đâu? Rất nhỏ, rất thì thầm…ở nơi rất riêng tư, vì sợ chính các “đồng chí” rất lai căn và rất bội tình. Ông có ràn rụa nước mắt không? Ông có còn mong “lũ con đường xa” không?
 
Năm tháng bụi mù…Hãy “Để Gió Cuốn Đi”. Những gì của TCS cũng sẽ là của TCS…Tại sao phải cấm?…Người Việt đã từng có một nền văn hóa nhân bản, khai phóng và tự do từ hơn nửa thế kỷ trước.

Nguyên Đại
30 Tháng Sáu 2022